Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Từ 2/5, Bộ GD&ĐT cổng đăng ký trực tuyến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 mở phục vụ thí sinh đăng ký dự thi chính thức.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, tính đến 17h ngày 2/5, Hệ thống quản lý thi của Bộ GD&ĐT ghi nhận có 196.319 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm khoảng 20% tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay. Hệ thống quản lý thi chạy ổn định, bảo đảm cho các thí sinh đăng ký dự thi thành công.
Bộ GD&ĐT không tổ chức phân luồng đăng ký dự thi. Thí sinh trên cả nước có thể cùng vào đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ ngày 2/5 cho đến hết ngày 10/5 như quy định.
Cổng đăng ký trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 mở trong 9 ngày. Tuy nhiên thực tế những năm gần đây chỉ khoảng trong 5 - 6 ngày đầu tiên thí sinh đã hoàn thành đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến.
Bộ GD&ĐT luôn trực hệ thống cùng bộ phận kỹ thuật để hỗ trợ các sở GD&ĐT, các trường THPT trong thời gian thí sinh đăng ký dự thi; đồng thời công bố tổng đài hỗ trợ thí sinh và điểm tiếp nhận đăng ký dự thi là:18008000 nhánh số 2.
Trước đó, từ ngày 24 đến 28/4, Bộ GD&ĐT đã mở cổng để thí sinh thử đăng ký dự thi trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo đúng quy trình. Đã có 643.705 thí sinh thử đăng ký dự thi thành công.
Ảnh minh họa. |
Bộ GD&ĐT hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ Giáo dục mầm non
Việc Bộ GD&ĐT phát hành Văn bản số 1957/BGDĐT-GDĐH về việc hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2024 cũng là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.
Theo hướng dẫn, từ 18/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
Theo đó, thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, xem, sửa) thông tin của mình trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.
Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các ngành/chương trình thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào tất cả cơ sở đào tạo đăng ký theo ngành/chương trình và được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Đồng thời, thí sinh phải cung cấp các dữ liệu (theo tiêu chí, điều kiện, quy trình đăng ký được quy định tại đề án tuyển sinh của các cơ sở đào tạo) tương ứng với ngành/chương trình mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển để cơ sở đào tạo sử dụng xét tuyển.
Tất cả nguyện các nguyện vọng của thí sinh vào cơ sở đào tạo được xử lý trên Hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm đủ điều kiện trúng tuyển.
Thí sinh đã hoàn thành việc dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo, nếu đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống để được xét tuyển theo quy định.
Từ ngày 31/7 đến 6/8/2024, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Các thí sinh thuộc diện hưởng chính sách ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng phải phối hợp với các điểm tiếp nhận, rà soát thông tin khu vực và đối tượng ưu tiên nếu có.
Chuẩn bị hồ sơ trước giờ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Hải Bình. |
Công bố phương án thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
2 văn bản quan trọng về công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được Bộ GD&ĐT công bố trong tuần qua, đó là: Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và Quyết định về việc Phê duyệt phương án tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo hướng dẫn, Đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra việc ban hành văn bản, công tác chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Sở GD&ĐT, Hội đồng thi, Điểm thi và công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra thi của Sở GD&ĐT.
Đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở GD&ĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi của Hội đồng thi, các Ban của Hội đồng thi và Điểm thi.
Bộ GD&ĐT sẽ thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại 20 sở GD&ĐT; kiểm tra 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị thi của Sở GD&ĐT, Hội đồng thi, việc chuẩn bị in sao đề thi. Thời gian kiểm tra: 2 ngày/Sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT cũng sẽ thành lập đoàn thanh tra hoặc kiểm tra công tác chuẩn bị thi và khu vực in sao đề thi. Số lượng, thành phần đoàn, thời gian, nội dung, đối tượng do Thanh tra Sở GD&ĐT tham mưu.
Về coi thi, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập 63 đoàn, kiểm tra công tác coi thi tại 63 sở GD&ĐT. Số lượng cán bộ tối thiểu tham gia đoàn kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trực tiếp tại một Điểm thi theo nguyên tắc sau: Dưới 20 phòng thi: 2 người; từ 20 đến 40 phòng thi: 3 người; từ 41 phòng thi trở lên: 4 người.
Đối với các Điểm thi có các phòng thi bố trí phân tán hoặc nhiều tầng khác nhau thì số cán bộ kiểm tra/Điểm thi có thể lớn hơn tùy theo tình hình thực tế do trưởng đoàn kiểm tra quyết định.
Ngoài đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT thành lập đoàn thanh tra công tác coi thi của Hội đồng thi và điểm thi.
Với chấm thi, Bộ GD&ĐT cũng sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, mỗi đoàn từ 3-5 người. Ngoài đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT thành lập đoàn thanh tra công tác chấm thi. Nhiệm vụ: Thanh tra trực tiếp tại Hội đồng thi và Ban làm phách, Ban chấm thi tự luận, Ban chấm thi trắc nghiệm.
Công đoạn phúc khảo, Bộ GD&ĐT thành lập 5 đoàn kiểm tra tại 10 Sở GD&ĐT; Sở GD&ĐT thành lập đoàn thanh tra việc tổ chức phúc khảo bài thi tự luận, trắc nghiệm.
Xét công nhận tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT thành lập đoàn thanh tra hoặc kiểm tra. Thành phần đoàn, thời gian, nội dung, đối tượng: Do thanh tra Sở tham mưu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Ảnh: Minh Phong. |
Hội thảo quốc tế về nhân lực bán dẫn Việt Nam
Ngày 4/5, tại Trường Đại học Phenikaa diễn ra Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, Việt Nam đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đang chạy đua với thời gian và đã có những bước đi cụ thể, bài bản, mang tính nền tảng nhằm tạo tiền đề, môi trường thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, đây là bài toán mấu chốt, là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tham gia vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.
Liên quan đến việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, Phó Thủ tướng cho rằng, muốn đào tạo hàng chục ngàn lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn, trước hết phải ưu tiên đào tạo, thu hút đội ngũ giáo viên, giảng viên chất lượng cao, có kinh nghiệm chuyên sâu trong ngành để nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong đó, nên cung cấp các khóa đào tạo và chương trình huấn luyện chuyên sâu, tạo điều kiện, môi trường để đội ngũ tiếp tục nghiên cứu và cập nhật kiến thức mới nhất.
Tại hội thảo, các trường đại học, viện nghiên cứu, các đơn vị, tổ chức có liên quan trong và ngoài nước cũng đã trình bày một số tham luận về vấn đề như tăng tốc quy trình thiết kế chip với công nghệ phần cứng hỗ trợ kiểm thử; đào tạo kỹ sư thiết kế chip với Chương trình Synopsys/SiCADA và thảo luận bàn tròn về đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn chuẩn quốc tế cho thị trường Việt Nam và quốc tế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc đồng hành cùng cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để tạo ra môi trường kinh doanh và học thuật thuận lợi, khuyến khích sự đổi mới, nghiên cứu, phát triển, sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn.