Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc; thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Trải qua nhiều cương vị, với những trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt dành tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập toàn diện, sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa; Hội nghị toàn quốc về văn hóa của Đảng sau hơn 70 năm là dấu mốc gắn kết tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng về vị thế hiện tại của Việt Nam trên trường quốc tế: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.
“Nhận định này để khẳng định rằng đất nước ta đã đạt được mức độ phát triển, tiềm lực và uy tín quốc tế vượt bậc, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân cả nước. Đây chính là sự khẳng định những thành tựu to lớn mà đất nước ta đã đạt được qua nhiều giai đoạn, đặc biệt là sau khi thực hiện các chính sách Đổi Mới từ năm 1986.
Thứ hai, khi Tổng Bí thư đề cập đến “lòng tự hào dân tộc”, là muốn khuyến khích người dân cảm nhận và chia sẻ sự tự hào về những thành tựu và vị thế hiện tại của đất nước. Sự tự hào này không chỉ là niềm kiêu hãnh, mà còn là động lực để toàn dân đoàn kết và phát huy tối đa tiềm năng của mình. Thứ ba, việc nhấn mạnh đến “quyết tâm đổi mới và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam” cho thấy tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, văn hóa không chỉ đóng vai trò nền tảng, mà còn là động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đặc biệt, Việt Nam hiện tại có nền tảng và điều kiện rất thuận lợi để tiến xa hơn. Những thành tựu đã đạt được tạo nền tảng vững chắc giúp đất nước tự tin tiến vào giai đoạn mới với những cơ hội và thách thức mới.
Văn hóa còn thì dân tộc còn
Trên cương vị là lãnh tụ cao nhất của Đảng, sự quan tâm và tâm huyết của Tổng Bí thư đã tạo động lực mạnh mẽ, nguồn sinh khí mới trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, ông luôn ủng hộ việc bảo tồn các di sản văn hóa, tôn vinh các giá trị truyền thống của dân tộc, từ văn hóa vật thể đến phi vật thể, đồng thời khuyến khích việc quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới.
Không chỉ chú trọng vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn khuyến khích sự giao lưu, học hỏi từ văn hóa quốc tế nhằm góp phần vào sự tiến bộ và hội nhập của văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ, nhà văn hóa, các tổ chức văn hóa phát triển, thể hiện sự đa dạng, phong phú của văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều chính sách, chiến lược phát triển văn hóa đã được ban hành, góp phần định hướng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành văn hóa.
Những chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa, đối với văn hóa trong những năm qua đã trở thành những định hướng quan trọng trong sự phát triển. Đồng thời, mang lại một làn gió mới, tạo động lực mạnh mẽ cho ngành văn hóa và các văn nghệ sĩ trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Không chỉ là một nhà lãnh đạo để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Với tầm cao trí tuệ, phong cách riêng biệt, đậm chất sĩ phu Bắc Hà. Tổng Bí thư từng căn dặn: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú của tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”. Quan điểm đó là kim chỉ nam, định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa, tiếp thêm động lực cho người dân cũng như đội ngũ cán bộ văn hóa, với quyết tâm đổi mới và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam.
“Tôi tin rằng, nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là sự khẳng định kết quả đạt được, mà còn là lời kêu gọi hành động. Đây là thông điệp khẳng định rằng, với sự thống nhất và tinh thần dân tộc cao, Việt Nam có thể tiếp tục duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được, nhằm xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ sau”. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Theo báo GD&TĐ Online